Xung đột chính trị trong thập niên 1970 Bhumibol_Adulyadej

Tập tin:Princess Sri Sangwal and Monk-King Bhumibol.JPGMẹ nhà vua, công chúa Sri Sangwal trao lễ vật cho con trai của bà, vua Bhumibol Adulyadej như một tu sĩ mới tấn phong, năm 1956

Trong thời gian đầu trị vì, khi chính quyền bị đặt dưới quyền kiểm soát của nhà độc tài Plaek Pibulsonggram, Bhumibol không có thực quyền và chẳng làm gì khác hơn là thủ giữ một vai trò nghi lễ cho chính phủ quân sự. Sau khi Plaek Pibulsonggram bị lật đổ, trong thời gian cầm quyền của chính phủ Sarit Dhanarajata, vương triều được hồi sinh. Bhumibol tham dự các buổi lễ công cộng, du hành đến các địa phương và bảo trợ nhiều đề án phát triển. Lúc này, nghi thức phủ phục trước nhà vua khi được tiếp kiến, vốn bị Vua Chulalongkorn (Rama V) cấm trước đó, đã được phục hồi cùng với sự hồi sinh của dòng tu Thammayut Nikaya (một dòng tu thuộc Phật giáo được hoàng gia bảo trợ). Lần đầu tiên kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế bị lật đổ, một buổi lễ rước Ngự thuyền hoàng gia trên sông Chao Phraya được tổ chức, người dân tụ tập chào đón nhà vua khi ông trên đường đến dâng phục trang cho các đền chùa. Một số nghi lễ từ triều đại Chakri như lễ tịch điền (tiếng Thái: พิธีพืชมงคล) cũng được phục hồi. Chính sự liên kết mật thiết với quốc vương đã giúp mang đến cho Sarit và chế độ quân sự tính hợp pháp. Sau khi Sarit qua đời, chính sách ủng hộ hoàng gia của ông được Thống chế Thanom Kittikachorn tiếp tục duy trì và thực hiện sâu rộng.

Tháng 10 năm 1973, sau những cuộc biểu tình đông đảo và sau cái chết của nhiều người biểu tình ủng hộ dân chủ do giới sinh viên khởi xướng và lãnh đạo, nhà vua Bhumibol lần đầu tiên khẳng định vai trò của ông trên chính trường Thái Lan bằng cách công khai bày tỏ lập trường ủng hộ những nỗ lực chấm dứt chế độ quân sự Thanom. Ông ra lệnh mở cửa Cung điện Chitralada đón tiếp các sinh viên bị giới chức truy đuổi, và tiếp xúc với những thủ lĩnh của phong trào sinh viên đấu tranh. Sau đó, nhà vua bổ nhiệm Viện trưởng Đại học Thammasat, Sanya Dharmasakti, vào chức vụ thủ tướng. Kế tiếp là một chuỗi các chính phủ dân sự lãnh đạo đất nước cho đến năm 1976, Thanom trở về nước sau một thời gian tự ý sống lưu vong, kích hoạt những xung đột mới. Những cuộc phản kháng chống nhà cựu độc tài bắt đầu leo thang, lên đến cao điểm khi hai tờ nhật báo cho đăng tải những hình ảnh giả mạo miêu tả sinh viên Đại học Thammasat treo cổ hình nộm thái tử Vajiralongkorn. Nhiều người dân tin rằng hành động xúc phạm hoàng gia này là có thật, các lực lượng quân đội và dân quân được lệnh tấn công viện đại học, dẫn đến một cuộc thảm sát.

Những rối loạn bùng phát sau đó được sử dụng như một cái cớ để tiến hành cuộc đảo chính quân sự dẫn đến sự bổ nhiệm Tanin Kraivixien vào chức vụ thủ tướng. Ông này lại bị thay thế bởi Tướng Kriangsak Chomanan trong một cuộc đảo chính quân sự khác trong tháng 10 năm 1977. Năm 1980, Kriangsak được kế nhiệm bởi Tổng Tư lệnh Quân lực, Tướng Prem Tinsulanond, một người ủng hộ nhà vua. Tháng 4 năm 1981, một nhóm sĩ quan quân đội âm mưu đảo chính, nhưng kế hoạch của họ bị sụp đổ mau chóng khi Prem lẩn tránh đến Khorat, sau đó hoàng gia cũng đến lánh nạn ở Khorat. Hoàng hậu, qua sóng phát thanh, công khai ủng hộ chính phủ Prem. Do lập trường của hoàng gia, nhiều đơn vị quân đội trung thành với quốc vương quay trở lại chiếm giữ thủ đô.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bhumibol_Adulyadej http://www.businessspectator.com.au/article/2014/4... //nla.gov.au/anbd.aut-an35621539 http://60thcelebrations.com/ http://www.bangkokpost.com/king2000/ http://www.bbc.com/vietnamese/world-37655597 http://www.cnn.com/2015/05/10/asia/thailand-king-l... http://www.economist.com/news/asia/21702497-after-... http://www.forbes.com/2010/07/07/richest-royals-we... http://www.forbes.com/sites/investopedia/2011/04/2... http://www.forbes.com/sites/simonmontlake/2012/01/...